1 thg 2, 2013

Tự tử vì một lời hứa

Khi nhà trai đến trước cửa nhà gái thì phía trong nhà có tiếng ầm ĩ. Ông chú của cô dâu nhanh chân chạy ra chặn đám người bên nhà trai, chỉ kéo chú rể vào trong nhà. Rất đông người tập trung ở phòng cô dâu. Lẽ ra, giờ này Huệ phải trong trang phục áo cưới chuẩn bị về nhà chồng thì cô đang nằm trên giường, mặt rũ rượi, tóc tai thì bù xù.

Chú rể ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì mẹ Huệ quỳ xuống bên thành giường, kéo tay con gái cầu xin: “Con tỉnh lại đi con ơi, đây là ngày cưới của con rồi, còn chờ đợi gì nữa. Thằng đấy nó chết rồi, con quên nó đi”.

Huệ chẳng nói chẳng rằng, quay mặt luôn vào tường. Anh Nghĩa, chú rể dõng dạc nói với mọi người: “Các cô các bác có thể ra ngoài vài phút để cháu nói chuyện với em Huệ được không ạ?”. Mọi người lui ra dần, bà mẹ Huệ đứng dậy, quệt hai dòng nước mắt, cố dặn dò chàng rể: “Con cố thuyết phục nó, chứ mẹ thì chịu rồi”.

Mọi người ra ngoài hết rồi, Nghĩa tiến lại đỡ Huệ dậy. Anh chưa kịp hỏi gì thì Huệ đã ôm chặt lấy anh nói như tạ tội: “Em có tội với anh, anh hãy tha thứ cho em nhưng em không thể cưới anh được”.

Nghĩa lắc mạnh người Huệ, hỏi lý do tại sao thì cô vẫn chỉ khóc. Hai mắt Nghĩa đỏ ngầu vì tức giận, anh lại lắc vai Huệ mạnh hơn. Huệ quỳ xuống chân Nghĩa thổn thức: “Kiếp này em mang nợ gia đình anh, kiếp sau em sẽ trả. Còn bây giờ em phải chờ anh Mẫu, phải chờ bằng được anh ạ. Anh ấy sẽ trở về!”.

Nghĩa rối mù lên chẳng hiểu chuyện gì, anh còn đâu tâm trí để hỏi kỹ càng mọi chuyện, trong khi gần trăm người bên nhà trai đang đứng ngoài chờ. Nghĩa cầu xin Huệ nhưng cô vẫn chỉ lắc đầu. Nghĩa lao ra khỏi phòng, nói đoàn xe nhà trai quay về trước sự ngơ ngác và đau đớn của nhà gái. Việc cưới hỏi của Huệ và Nghĩa tưởng là êm xuôi, ai ngờ đến phút chót lại dang dở.

Để Huệ gật đầu đồng ý cưới là một kỳ tích đối với Nghĩa, vì ai cũng biết Huệ đang chờ người cô yêu gần năm năm nay. Năm đó, có một nhóm người Huế đi qua vùng quê này, dừng chân nghỉ lại để chuẩn bị lên biên giới khai thác lậu trầm hương. Nhà Huệ có cửa hàng tạp hóa nên mấy anh người Huế hay ghé qua mua các vật dụng.

Chỉ có mấy ngày thế mà Huệ bị cậu tên Cường hút mất hồn, hai người quấn quýt bên nhau chưa được một tuần thì Cường phải lên đường. Là con trai, trước khi chia tay với Huệ, anh ta vẫn ngon ngọt hứa: “Chờ anh em nhé, rồi anh sẽ quay về”. Đúng một lời hứa hẹn bâng quơ qua đường đó, mà Huệ chờ đợi Cường mấy năm trời, từ chối tất cả những người đến với mình.

Gần ba mươi tuổi, Huệ chẳng còn nghĩ đến chuyện chồng con, cô nghe người ta đồn anh Cường chết rồi, trong thâm tâm Huệ cũng tin như thế, nếu không anh đã phải liên lạc với cô. Bố mẹ và hai ông anh trai giục lên giục xuống, còn nói bóng nói gió đuổi cô ra khỏi nhà. Đúng lúc đó thì Nghĩa, một thầy giáo trường xã kém hơn Huệ hai tuổi theo đuổi cô.

Dù sao là con gái, cũng phải một lần lấy chồng, Huệ gật đầu. Thế mà đúng trước đêm cưới, Huệ lại thấy Cường hiện về nói với cô: “Huệ ơi, anh sắp trở về với em rồi. Đúng vào ngày rằm tháng bảy này anh sẽ quay về. Chờ anh em nhé! Anh nhớ em và con nhiều lắm”. Huệ đổ mồ hôi, dù chẳng biết Cường nhắc đến đứa con nào ở đây, nhưng sáng hôm sau đòi hủy hôn với Nghĩa luôn.

Sau hôm đó, gia đình Huệ như có đám tang. Bố mẹ Huệ tức quá nằm ốm liền mấy ngày, còn vợ chồng hai ông anh thì nặng nề ra mặt. Người trong làng đi qua nhà Huệ đều cất tiếng hát đồng dao châm chọc: “Cô Huệ là cô Huệ già/ Lấy được anh Nghĩa còn đòi làm cao/ Tối về nằm mơ chiêm bao/ Gặp ngay bóng ma hao hao anh Cường/ Thế rồi cô hủy hôn luôn/ Chờ rằm tháng bảy hai ta sum vầy.

Nhà trai bị bẽ mặt như thế, nhưng anh Nghĩa vẫn qua thăm Huệ bất chấp gia đình ngăn cản. Anh nói với Huệ: “Không là gì của nhau thì là bạn, rồi đến lúc em sẽ thay đổi, sẽ đồng ý về nhà anh làm dâu”.

Điều kỳ lạ là giấc mơ của Huệ lại trở thành hiện thực. Chiều hôm đó, Huệ đang rửa đồ lễ thì nghe mấy người đến mua hàng nhao nhao việc có mấy anh đi trầm mất tích từ lâu, đột nhiên bây giờ lại xuất hiện, vừa dừng xe ở ngay ở xưởng mộc nhà ông Tiền mà năm xưa họ vẫn nghỉ trọ. Huệ thả luôn đống đồ lễ đang rửa dở, chạy một mạch gần một cây số xuống xưởng mộc nhà ông Tiền.

Thấy có nhóm người trong nhà. Huệ lao thẳng vào mà chẳng hỏi chẳng rằng. Huệ thấy Cường đang ngồi uống nước ở bộ bàn ghế, đang bế đứa cháu nhà ông Tiền, cô mừng rõ hét toáng lên: “Anh Cường ơi, cuối cùng thì anh cũng đã trở lại rồi”. Nghe thế, cả mấy anh đi trầm cùng Cường và cả gia đình nhà ông Tiền sững sờ nhìn Huệ.

Anh Cường ngỡ ngàng trong giây lát, rồi cũng như nhận ra Huệ: “A, cô Huệ, cô Huệ bán hàng tạp hóa đầu xóm phải không? Cô khác quá, tôi không nhận ra nữa rồi”. Chất giọng Huế của Cường ngọt ngào là thế, mà lúc này nó như bao tải đè nặng lên người Huệ. Huệ cảm giác như nghẹt thở...

Đúng lúc đó, cái Thảo, cô con gái nhà ông Tiền từ trong nhà bước ra, kéo tay thằng con trai đang ngồi trong lòng Cường, nói: “Con qua đây ngồi với mẹ để bố Cường còn ra nói chuyện với cô Huệ nào”. Thằng bé ngúng nguẩy quay sang ôm chặt lấy Cường: “Không, con không cho bố đi nữa đâu. Bố phải ở với con!”.

Cường bế luôn thằng bé lên người, tiến về phía Huệ đang đứng chôn chân, anh ta ấp úng: “Cháu Bảo là con trai của tôi với Thảo, bây giờ tôi mới quay về với vợ với con được”. Huệ lắc đầu như không tin vào tai mình rồi quay người bỏ chạy.

Bốn năm trước, đột nhiên cái Thảo sinh con mà chẳng một ai biết bố nó là ai. Thảo cùng tuổi với Huệ, hai người cũng qua lại nhưng Huệ nào ngờ được, cha của con Thảo lại là người cô yêu và đợi chờ bấy lây nay.

Ngày hôm sau, cả vùng quê này xáo động việc Huệ nhảy sông trầm mình. Không như nhiều người chết đuối khác, cơ thể Huệ không hề bị phù, cô không uống lấy một giọt nước, hai môi vẫn đang mím chặt vào nhau cố tình ngạt thở.

Chỉ thương cho anh Nghĩa, nằm lăn giữa bờ sông bên cạnh xác Huệ khóc lóc thảm thương làm mọi người đứng quanh đó cũng phải trào nước mắt: “Huệ ơi, sang bên kia nhớ đợi anh Huệ ơi! Em đừng quên đã hứa kiếp sau sẽ làm vợ anh rồi đấy. Anh sống cho trọn đạo làm con rồi anh sẽ chóng về bên em, Huệ ơi!”.
....

Nguồn: Internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét